Chào bạn !
1. Canxi đóng vai trò chính trong quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các hormon và đông máu, điều hoà nhiều enzym khác nhau nên khi cơ thể bị thiếu vi chất này sẽ dẫn đến một loạt các biểu hiện nguy hiểm như cơn tetani, loạn nhịp tim hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim…
Hạ canxi máu là khi nồng độ canxi toàn phần trong máu dưới 8,8mg/dL (2,20mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường, hoặc canxi iôn hoá dưới 4,7mg/dL (1,17mmol/L). Có nhiều nguyên nhân gây ra hạ canxi máu nên, trong đó chủ yếu là:
- Tăng tạo xương trong khi cung cấp canxi không đủ (trẻ em đang giai đoạn phát triển nhanh, phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ), hội chứng kém hấp thu do rối loạn tiêu hoá kéo dài
- Suy và giả suy tuyến cận giáp trạng, là giảm bài tiết parathyroid hormon gây hạ canxi máu, tăng photpho máu và thường gây nên cơn tetani mạn tính.
- Thiếu hụt vitamin D; bệnh lý thận: bệnh lý ống thận, suy thận;
Dấu hiệu thường gặp nhất của hạ canxi máu là: Tình trạng co cứng cơ (chuột rút) ở vùng lưng và chân. Những trường hợp hạ canxi máu diễn biến từ từ, âm ỉ có thể gây các dấu hiệu thần kinh nhẹ như trầm cảm, lú lẫn hay kích thích tâm thần. Phù gai thị và đục thể thủy tinh có thể xuất hiện khi bị hạ canxi máu kéo dài.
Các nguyên nhân khác: thiếu hụt magiê, viêm tụy cấp, giảm albumin máu, tăng photpho máu. Các thuốc gây hạ canxi máu như thuốc chống động kinh (phenobarbital, phenytoin), rifampicin, truyền máu nhiều, thuốc cản quang, dùng liều cao calcitonin.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có biện pháp điều trị phù hợp được BS chỉ định cụ thể: có thể sử dụng đường tiêm, truyền hoặc uống thuốc canxi kết hợp với vitamin D.
Để phòng bệnh bạn có thể: Lựa chọn thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, phomát… và tăng cường tập thể dục ngoài trời (tăng tổng hợp vitamin D làm tăng hấp thu canxi ở ruột)… là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
2. Triệu chứng thường gặp nhất của thiếu máu cơ tim là đau ngực, thông thường bệnh nhân sẽ đau ở vùng giữa ngực sau xương ức, lan lên hàm, vai và cánh tay trái. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức thể lực hoặc khi xúc động. Thời gian đau thường kéo dài khoảng 5-10 phút. Cơn đau sẽ giảm khi bạn nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc giãn mạch vành. Trong cơn đau bệnh nhân thường cảm thấy rất mệt, có thể kèm theo vã mồ hôi, cảm giác buồn nôn... Nếu cơn đau kéo dài hơn 20 phút thì nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao. Trong một số trường hợp không điển hình, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt từng cơn mà không đau hoặc đau ít.
Việc điều trị bệnh có nhiều phương pháp trong đó phương pháp điều trị nội khoa sử dụng thuốc thường được BS chỉ định, việc dùng thuốc cần đúng hướng dẫn, đúng liều, không tự ý ngừng thuốc đột ngột.
Chọn một chế độ ăn thích hợp để hỗ trợ điều trị bệnh: Ăn ít mỡ, ít đường, giảm muối
- Tăng cường ăn rau và những thức ăn chứa chất xơ, bổ sung Vitamin với lượng thích hợp, ăn ít thịt mà thay thịt bằng cá, tránh dùng các chất kích thích ( rượu nặng, cafê,..).
- Tăng cường hoạt động thể lực, luyện tập thể dục, thể thao (phù hợp với tuổi và thể lực).
- Tránh các stress và các yếu tố bất lợi của môi trường sống tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bạn nên đến gặp BS chuyên khoa để được chỉ định thuốc cụ thể cũng như có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Chúc bạn sức khỏe !
Chuyên viên tim mạch