Khi bị cao huyết áp, ngoài thuốc ra, việc lựa chọn và duy trì một chế độ ăn thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề tuân thủ những nguyên tắc chung như ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, kiêng các chất kích thích..., người bệnh nhiều khi tỏ ra lúng túng khi chọn dùng các đồ ăn thức uống cụ thể trong sinh hoạt thường nhật. Trên cơ sở kết hợp kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của dinh dưỡng học cổ truyền và hiện đại, bài viết này xin được giới thiệu một số thực phẩm thích hợp và có lợi cho việc phòng chống cao huyết áp để độc giả tham khảo và vận dụng.
Những thực phẩm tốt cho người bị cao huyết áp :
Cần tây: dùng loại càng tươi càng ốt, rửa thật sạch, giã nát rồi ép lấy nước (nếu có máy ép thì càng tốt). Cho thêm chút mật ong, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 40ml. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước ép cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp.
Cải cúc: Là loại rau thông dụng, chứa nhiều acid amin và tinh dầu, có tác dụng làm thanh sáng đầu óc và giáng áp.
Rau muống: chứa nhiều canxi, rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và huyết áp trong giới hạn bình thường, là thứ rau đặc biệt thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo triệu chứng đau đầu.
Măng lau: Có công dụng hoạt huyết, thông tràng vị, khai hung cách (làm thoải mái lồng ngực) và chống phiền khát. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, măng lau có khả năng tiêu trừ mệt mỏi, tăng cường thể lực, làm giãn mạch, cường tim, lợi niệu, giáng áp và phòng chống ung thư, là thức ăn rất thích hợp cho người bị cao huyết áp và xơ vữa động mạch.
Cà chua: Là thực phẩm rất giàu vitamin C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1- 2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp rất tốt, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.
Cà: Đặc biệt cà tím là thực phẩm rất giàu vitamin P, giúp cho thành mạch máu được mềm mại, dự phòng tích cực tình trạng rối loạn vi tuần hoàn hay gặp ở những người bị tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
Cà rốt: Có tác dụng làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp. Nên dùng dạng tươi, rửa sạch, ép lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần chừng 50ml. Đây là thứ nước giải khát đặc biệt tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo tình trạng đau đầu, chóng mặt.
Ngoài ra một số thức ăn tốt cho người cao huyết áp như: Hành tây, Nấm hương, Nấm rơm, Mộc nhĩ, Tỏi, Lạc, Hải tảo, Đậu hà lan, Đậu xanh, Táo, Chuối tiêu, Dưa hấu, Dưa chuột....
Thực phẩm tốt cho người cao huyết áp
Thức ăn không muối làm giảm huyết áp: Đây là kết quả nghiên cứu của TS Kojuri và Rahim Rahim (ĐH Shiraz – Iran). Theo đó, chỉ cần dùng ít muối trong thức ăn cũng có thể dẫn đến sự thay đổi huyết áp. Sự thay đổi này được đo bằng nồng natri trong nước tiểu khoảng 35%; ban ngày huyết áp tối đa giảm 12,1 mm Hg, huyết áp tối thiểu giảm 6,8 mm Hg; ban đêm huyết áp giảm nhẹ.
Hai nhà khoa học trên đã tiến hành theo dõi huyết áp và sự bài tiết natri trong nước tiểu của 60 người trước và sau khi thực hiện chế độ ăn kiêng không muối.
Họ cũng lập ra một nhóm đối chiếu, gồm 20 người không thực hiện chế độ ăn kiêng này. Sau 6 tuần cho thấy có sự thay đổi đáng kể nồng độ natri bài tiết trong nước tiểu ở những người ăn kiêng so với những người không ăn kiêng. 50% trong số những người dùng vừa phải (3-7gr muối mỗi ngày) có sự giảm huyết áp.Theo Kojuri, tuy chưa nghiên cứu trên quy mô rộng nhưng kết quả này một lần nữa khẳng định những người bị cao huyết áp không nên dùng nhiều muối.
Giảm cung cấp năng lượng cho bệnh nhân cao huyết áp bằng các chế độ ăn phù hợp
- Dư thừa cân nặng cũng đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỉ lệ gia tăng khắp mọi nơi. Tại Mỹ, với tỉ lệ người dư thừa cân nặng chiếm khoảng 50% dân chúng và là nguyên nhân của 20-30% trường hợp cao huyết áp.
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường: 18.5 – 22
- Bệnh nhân cao huyết áp nên
+ Ăn chậm, nhai kỹ
+ Ăn nhiều vào buổi sáng, tránh ăn nhiều vào buổi tối
+ Có thể nhịn ăn một buổi mỗi tuần và thay bằng uống nước trái cây.
+ Giảm bớt kích cỡ các bữa ăn
- Hạn chế thức ăn nhiều năng lượng trong bữa ăn của bệnh nhân cao huyết áp
+ Đường glucose, đường mía, chocolate, bánh kẹo ngọt... sẽ dẫn đến béo phì.
+ Ăn thịt nạc, bỏ da
+ Ăn các món luộc, hấp, kho, nướng thay cho chiên, quay, xào
+ Hạn chế thịt đỏ (thịt bò, thịt heo), bánh ngọt, nước ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hay cholesterol (mỡ, nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng gà)
+ Hạn chế ăn nhiều thịt gà: Thịt gà chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, ăn nhiều sẽ khiến cho cholesterol và huyết áp tăng cao. Do đó, không nên cho rằng thịt gà là thứ bổ dưỡng cho mọi người bệnh, nhất là người cao huyết áp. Người cao huyết áp ăn nhiều thịt gà sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
+ Không nên ăn nhiều protein động vật: Người bị huyết áp cao kỵ dùng phủ tạng động vật (như gan, tim, bầu dục…) vì trong quá trình trao đổi, chất này sinh ra độc tố làm huyết áp bất ổn
- Thực phẩm bệnh nhân cao huyết áp nên dùng
+ Tăng cường các loại thực phẩm như: ngũ cốc thô, tôm, cá, gia cầm (bỏ da), đậu, hạt (hạnh nhân, đậu phộng, đậu lăng, hạt hướng dương)...
+ Chế độ ăn giàu rau quả, ngũ cốc giúp giảm mỡ, giúp điều hòa huyết áp. Đó là nhờ vào chất xơ có trong các loại thực phẩm này. Các chất xơ, nhất là chất xơ tan trong nước, có khả năng hút nước và trương nở lên đến 8-10 lần trọng lượng ban đầu, qua đó có thể kết dính và đào thải nhiều cặn bã và chất độc hại ra khỏi cơ thể. Đặc biệt, chất xơ cũng thu hút những acid mật do cơ thể sản sinh ra để tiêu hóa các chất béo và đào thải chúng ra ngoài theo đường ruột. Điều này buộc cơ thể huy động đến kho dự trữ cholesterol ở gan để tạo ra những acid mật mới dẫn đến hạ độ cholesterol. Ăn nhiều rau quả còn giúp bảo đảm chế độ nhiều potasium (kali) và ít sodium (Natri), yếu tố vô cùng quan trọng việc ổn định huyết áp. Nhiều loại rau quả như: chuối, khoai tây, bơ, dưa hấu, đậu nành có lượng kali rất cao. Tuy nhiên, khi chế biến rau quả tránh trộn thêm bơ hay sốt mayonaise.
+ Uống sữa không chất béo
+ Thay thế bơ động vật bằng bơ thực vật (magarin)
Chế độ ăn nhạt cho bệnh nhân huyết áp cao
- Natri làm tiết ra nhiều dịch tế bào, dẫn đến tim đập nhanh, huyết áp cao.
- Natri khiến cho các mạch máu trở nên hẹp hơn so với bình thường, sẽ cản trở quá trình lưu thông máu, ảnh hưởng tới quá trình vận chuyện máu đến tim, gây nên chứng cao huyết áp.
- Nhu cầu Na+ ở trẻ em và người lớn 200mg, trong khi, thông thường, hàng ngày chúng ta ăn vào 4.000 – 6.000mg (tương đương 10g-15g muối, lượng Na+ chiếm 40% trong NaCl) tức là cao hơn nhiều so với nhu cầu. Mục tiêu: Giảm lượng muối tiêu thụ < 5g/ ngày, người bị cao huyết áp chỉ nên ăn khoảng 2-3g
+ Giảm những thức ăn mặn như mắm, tương, dưa, cà…
+ Giảm 1 số thói quen của người Á Đông như chấm muối, chấm nước mắm … khi không thật sự cần
+ Bớt dùng mì chính, bột ngọt, hạt nêm …
+ Hạn chế sử dụng những thức ăn chế biến sẵn như mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp, đồ uống có ga...
Giảm các yếu tố bất lợi khác trong thực phẩm dành cho bệnh nhân cao huyết áp
- Uống rượu làm cho tim đập nhanh, mạch máu co lại, huyết áp tăng và làm cho muối canxi đọng lại ở thành mạch, gây xơ cứng động mạch. Vì vậy, người bị cao huyết áp nên kiêng uống rượu.
- Nhiều nghiên cứu gần đây đều cho thấy mỗi ngày dùng khoảng 100g rượu vang đỏ sẽ có lợi cho hoạt động của hệ tim mạch. Quả nho và rượu nho, đặc biệt là trong vỏ nho và hạt nho có hàm lượng nhiều chất chống oxy hoá có thể giúp làm tăng độ cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu, bảo vệ thành mạch máu để phòng chống các loại bệnh tim mạch.
- Hút thuốc làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và làm giảm lượng oxy cần thiết đến các tế bào và các cơ quan đồng thời làm tăng nguy cơ vữa xơ động mạch
- Bệnh nhân cao huyết áp nên kiêng uống trà đặc, nhất là hồng trà đặc vì nó có nhiều chất kiềm, có thể làm cho đại não hưng phấn, bất an, mất ngủ, tim đập loạn nhịp, huyết áp tăng cao. Trái lại, uống chè xanh lại có lợi cho việc điều trị bệnh cao huyết áp.
- Kiêng dùng các thức ăn có vị cay hoặc thức ăn tinh (bột mỳ, các loại bánh ngọt...) vì chúng làm cho việc đại tiện khó khăn, dẫn đến táo bón. Khi đại tiện khó khăn huyết áp sẽ tăng, từ đó có nguy cơ xuất huyết não.
- Thực phẩm giàu K(cà chua, khoai lang, nho, các loại đậu, chuối, khoai tây, bơ, nước ép cà chua, nước bưởi, dưa leo (chuột), nho, táo…), giúp làm giảm cao huyết áp và duy trì huyết áp ở mức độ ổn định,
- Chất khoáng Mg, Ca, các chất chống oxy hóa, chất xơ, w-3/ w-6 là một nguồn chất đạm và chất béo lý tưởng cho phòng chống cao huyết áp
- Những thực phẩm có tính chất an thần, lợi tiểu nhẹ như: rau cải, cà chua, bầu bí, khóm, mía , cam, khoai lang, khoai tây, khoai môn, đậu xanh, đậu đen… (500g - 600g rau trái, 30-40g đậu đỗ/ngày) có thể làm hạ huyết áp
- Ngoài ra, ăn vài tép tỏi trong mỗi bữa ăn có tác dụng kiện tỳ, giải độc, tăng cường lưu thông khí huyết, hỗ trợ hạ huyết áp và cải thiện độ mỡ trong máu.
Theo suckhoedoisong