Gần đây, một bài viết có tựa đề Làm sao để sống qua cơn đau tim khi bạn ở một mình được chia sẻ trên internet, qua các diễn đàn, mạng xã hội, Facebook… Điều đáng nói là bài viết được phổ biến rộng rãi nhưng thông tin trong bài lại không chính xác, có thể gây nguy hại cho người đọc.

Không chính xác, nhầm khái niệm
Bài viết nói trên được dịch từ bản tiếng Anh How to survive a heart attack when alone, đã được gửi đến nhiều người qua email và đăng trên internet từ năm 1999. Trước đây, bản tiếng Việt cũng từng được phổ biến và nay một lần nữa được chia sẻ rộng rãi. Dưới đây là nội dung chính của bài viết:
“Người bệnh khi lên cơn đau tim thì tim họ sẽ đập loạn nhịp, yếu. Sau đó, họ cảm thấy choáng, uể oải. Khi bắt đầu cảm thấy như thế, thì chỉ còn 10 giây nữa họ sẽ ngất.
Tuy nhiên người bệnh có thể tự giúp mình bằng cách ngay lập tức ho rất mạnh, rất dài và rất sâu (như khạc đờm từ sâu trong ngực). Đồng thời, trước và xen kẽ mỗi cơn ho người bệnh hít một hơi thật sâu.
Người bệnh cần lặp lại hít thở sâu và cơn ho như trên mỗi 2 giây, chỉ dừng lại cho đến khi cảm thấy tim đập trở lại bình thường và người có thể giúp đỡ đến...”
Cả bản tiếng Anh và tiếng Việt đều không ghi rõ nguồn. Nội dung cũng không được đề cập đến trong tài liệu hướng dẫn mới nhất (năm 2010) về hồi sức tim phổi của hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association). Ngay từ tựa đề bài viết đã không chính xác. Trong thực tế, không ai có thể tự mình ngăn cản cơn nhồi máu cơ tim một khi nó đã xảy ra. Biện pháp xử trí khi đó là cần được điều trị kịp thời và hợp lý tại trung tâm y tế bằng phương pháp nội khoa, can thiệp hoặc phẫu thuật. Người ta chỉ có một cách duy nhất hòng ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim khi nó chưa xảy ra, là có một lối sống lành mạnh, phù hợp, ích lợi cho hệ tim mạch.
Bài viết có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm “nhồi máu cơ tim” (heart attack) và “ngưng tim” (cardiac arrest). Nhồi máu cơ tim là tình trạng một hoặc nhiều nhánh mạch vành (mạch máu nuôi tim) bị tắc hoàn toàn (do mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, loét hoặc do hình thành cục máu đông) khiến một vùng cơ tim thiếu máu cục bộ liên tục và nghiêm trọng gây hoại tử cấp tính. Trong khi đó, ngưng tim là tình trạng rối loạn co bóp của tim hoặc các nhát bóp không hiệu quả làm giảm lượng máu đưa vào tuần hoàn để nuôi cơ thể, khiến cho giảm lượng oxy cung cấp cho các tế bào, đặc biệt là thiếu oxy não gây bất tỉnh. Cách xử trí với “nhồi máu cơ tim” và “ngưng tim” là khác nhau. Trước một người ngưng tim, phải tiến hành biện pháp hồi sức tim phổi (Cardiopulmonary resuscitation – CPR), xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo để cấp cứu.
Bài viết đề cập đến việc hít sâu và ho mạnh khi gặp nhồi máu cơ tim như là một biện pháp tự tiến hành CPR (hồi sức tim phổi). Tuy nhiên, CPR chỉ được sử dụng cho trường hợp ngưng tim. Nhồi máu cơ tim có thể đưa đến ngưng tim, nhưng không phải trường hợp nhồi máu cơ tim nào cũng gây ra ngưng tim. Nếu nhồi máu cơ tim không gây ra ngưng tim thì không cần tiến hành CPR. Hơn nữa, khi xảy ra nhồi máu cơ tim, việc gắng sức để ho mạnh như vậy sẽ khiến tình trạng tồi tệ hơn do làm tăng sự mất cân bằng giữa cán cân “cung – cầu” của tim (tim phải hoạt động gắng sức trong khi đang bị giảm nguồn cung cấp máu và oxy do nhồi máu cơ tim). Ngoài ra, nếu bị ngưng tim thì bệnh nhân đã bất tỉnh, không thể nào tự mình tiến hành CPR.
Hiểu đúng về nhồi máu cơ tim
Tại các nước phát triển, nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh thường gặp nhất. Tại Việt Nam, tần suất bệnh ngày càng tăng, có tỷ lệ tử vong cao (khoảng 30%), trong đó khoảng một nửa chết trước khi kịp đến bệnh viện. Nhồi máu cơ tim mặc dù rất nguy hiểm nhưng điều trị kịp thời giúp tránh được tử vong và biến chứng sau đó. Càng vào viện sớm, nhất là trong vòng một giờ đầu, khả năng hồi phục hoàn toàn càng cao.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bên cạnh những trường hợp khởi phát bất ngờ và rầm rộ, có nhiều cơn nhồi máu cơ tim khởi đầu chậm, nhẹ, hoặc chỉ gây cảm giác khó chịu khiến người bệnh không nhận ra. Chính vì thế, phải hết sức cảnh giác để có thể nhận ra cơn nhồi máu cơ tim tiềm ẩn trong những đợt đau ngực. Đau thắt ngực là biểu hiện thường gặp nhất. Cảm giác đau ở sâu trong cơ thể, có thể là cảm giác đau nặng nề nhất mà người bệnh chưa từng cảm nhận. Bệnh nhân cảm thấy lồng ngực bị đè nặng, bóp nghẹt hay siết chặt. Vị trí đau thường giữa lồng ngực, sau xương ức, có thể lan tới cánh tay, ít hơn là tới bụng, lưng, hàm dưới và cổ, không bao giờ lan xuống dưới rốn. Các triệu chứng kèm theo có thể là: cảm giác yếu, da tái, toát mồ hôi, buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, lo lắng, lạnh chi…
Nếu gặp cơn đau ngực và những dấu hiệu cho thấy có khả năng bị nhồi máu cơ tim, bạn phải cố gắng giữ bình tĩnh, tránh để rơi vào trạng thái hoảng loạn. Ngưng mọi công việc đang thực hiện, ngồi hoặc nằm xuống. Lập tức gọi người đến giúp đỡ trước khi bạn có thể bất tỉnh. Thở oxy nếu có nguồn cung cấp. Nếu có thuốc, ngậm một viên nitrate dưới lưỡi mỗi năm phút, uống hoặc nhai và nuốt một viên aspirin trừ khi dị ứng với thuốc này. Nếu triệu chứng đau ngực không giảm, hoặc kéo dài khoảng hai phút hay lâu hơn, cần gọi cấp cứu hoặc di chuyển đến bệnh viện. Không xem nhẹ các triệu chứng và không trì hoãn, việc chờ đợi để xem cơn đau có giảm không có thể gây nguy hại cho tim, ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu di chuyển bằng xe tới bệnh viện, nên nhờ người khác chở chứ không được tự lái xe. Khi tới bệnh viện, báo cho nhân viên y tế biết bạn có thể bị nhồi máu cơ tim, yêu cầu được khám bệnh và điều trị lập tức.
Khi nạn nhân là người khác: nếu nghi ngờ ai đó hay người thân bị nhồi máu cơ tim, cần giữ bình tĩnh, trấn an người bệnh vì lo lắng sẽ làm xấu hơn tình trạng cơ tim thiếu máu và triệu chứng nặng hơn. Cho người bệnh thở oxy, ngậm viên nitrate, uống thuốc aspirin (nếu có). Gọi cấp cứu. Nếu bạn có thể đưa người bệnh tới bệnh viện nhanh hơn thì tiến hành ngay. Trong khi chờ được giúp đỡ, nới rộng cổ áo người bệnh, đặt họ ở tư thế thoải mái, thường là nằm ngửa với đầu kê cao.
Nguồn: Giáo dục