Đột quỵ não hay còn gọi là đột quỵ thường xảy ra ở những người béo phì và bị các bệnh tim mạch,… Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tắc nghẽn mạch máu não ở người béo phì cao gấp 2 lần so với người có cân nặng bình thường. Vì vậy, nguy cơ bị  đột quỵ não ở những người này cũng cao hơn.

 

Ảnh minh họa 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá nhiều và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe. Một người được gọi là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 30 và đó cũng là nguyên nhân khiến họ có nguy cơ bị đột quỵ não cao gấp đôi so với người BMI bình thường (từ 20-23).

 Do có chế độ ăn giàu chất béo và ít vận động nên lượng cholesterol “xấu” (LDL-C) tăng cao ở người béo phì, từ đó hình thành mảng xơ vữa động mạch, dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc tắc nghẽn mạch máu, gây đột quỵ não. Mặt khác, người béo phì hay bị tăng huyết áp khiến áp lực dòng máu tăng lên đột ngột, là nguyên nhân gây xuất huyết não hoặc hình thành các cục máu đông làm tắc mạch máu não. Khi đột quỵ não xảy ra, các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ tạm ngừng hoạt động, khiến người bệnh bị yếu liệt, tê, mất cảm giác nửa người, không nói được,… thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ não, sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế để theo dõi và cấp cứu kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Trong điều trị bệnh, tùy theo dạng đột quỵ não (nhồi máu não hoặc xuất huyết não), mức độ nặng của bệnh mà bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc (thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc tiêu huyết khối,…) kết hợp vật lý trị liệu. Mặt khác, theo các chuyên gia dinh dưỡng, những người béo phì cần áp dụng biện pháp dự phòng như: thực hiện chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát cân nặng hợp lý,… để giảm thiểu nguy cơ dẫn tới đột quỵ não.

 La La