Giãn tĩnh mạch là bệnh lý có ý nghĩa xã hội khá quan trọng vì bệnh rất thường gặp, nữ giới chiếm tới 70% số người mắc bệnh. Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê nào về bệnh lý này nhưng theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh sẽ gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống ở nước ta.
Nhiều triệu chứng dễ bị bỏ qua
Tại Việt Nam, 77,6% các bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi không biết mình mắc bệnh. Ngoài ra, việc bệnh nhân ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng cũng làm gia tăng tình trạng mắc bệnh giãn tĩnh mạch hiện nay. Suy tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể, kể cả ở tay, nhưng trên thực tế phần lớn các trường hợp mắc phải đều xảy ra ở chi dưới, do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều.
Phần lớn các bệnh nhân đều bỏ qua các triệu chứng và chỉ phàn nàn chủ yếu do mất tính thẩm mỹ. Các triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn đầu là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm, triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ. Về sau các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các màng loạn dưỡng trên da và các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn ngoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm khuẩn toàn thân như sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn... và tại chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, trong lòng mạch xuất hiện những cục thuyên tắc cứng.
Nhiều nguy cơ giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai
Nữ giới thường bị suy giãn tĩnh mạch nhiều hơn nam giới do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt… do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp. Nguyên nhân của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới có khá nhiều như là: yếu tố chủng tộc (người da trắng và người da vàng hay bị hơn người da đen), chế độ làm việc phải đứng hoặc ngồi nhiều, mang thai nhiều lần, sử dụng thuốc ngừa thai cũng là một yếu tố nguy cơ, béo phì, chế độ ăn nhiều thịt và ít rau...
Riêng ở phụ nữ mang thai, ở giai đoạn nhẹ thì không ảnh hưởng đến việc mang thai và có con. Tuy nhiên, nếu ở giai đoạn muộn (đã có loét chân, viêm tĩnh mạch nông, huyết khối tĩnh mạch sâu...) thì có thể ảnh hưởng nên cần phải điều trị triệt để trước khi có ý định có thai.
Phòng suy giãn tĩnh mạch chi
Để phòng ngừa suy tĩnh mạch, để chân cao khi nằm nghỉ, tập cơ mạnh hơn, tránh đứng hay ngồi lâu, mang tất chun hay quấn chân bằng băng chun, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón...
Đối với những người phải đứng liên tục như bán hàng, làm ruộng, ngồi nhiều… thỉnh thoảng nên co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót... để máu lưu chuyển tốt hơn. Vitamin C tốt cho sức bền thành mạch, nhưng chỉ là yếu tố vi lượng, có thể bổ sung đủ bằng chế độ ăn giàu trái cây, rau.
Theo sức khỏe đời sống